Bàn về hồng và chuyên

“Hồng” là từ để chỉ một người giác ngộ cao, trình độ hiểu biết chuyên sâu về chính trị, mang tính giai cấp, ở đây có nghĩa là người giác ngộ cao về chủ nghĩa cộng sản.

“Chuyên” là trình độ chuyên môn về một ngành nghề nào đó, là năng lực để thực hiện một nhiệm vụ, một chức trách nào đó.

Đảng ta yêu cầu một cán bộ phải có đủ trình độ cả hai lĩnh vực chính trị và chuyên môn, trong đó cái gốc là chính trị, chuyên môn là quan trọng. Câu nói “hồng trước chuyên sau”, “hồng thắm thì chuyên mới thâm” không phải chỉ là tiêu chuẩn cho một cán bộ thời chiến mà ngày nay trong hòa bình xây dựng, trình độ khoa học kỹ thuật phát triển cao, một cán bộ tốt vẫn phải có đủ hai yếu tố hồng và chuyên. Nếu chỉ có hồng mà không có chuyên sẽ không đáp ứng được nhu cầu phục vụ hay lãnh đạo. Nếu chỉ đơn thuần chuyên môn mà không có trình độ chính trị thì không khác gì con người chỉ đứng một chân, sẽ không vững vàng. Có trình độ chính trị là điều kiện cho chuyên môn phát triển.

Chúng ta đều hiểu rõ, người cán bộ cách mạng là công bộc của dân, luôn đặt mình toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ. Những người có tinh thần giác ngộ cao, được tổ chức giáo dục và rèn luyện lâu năm mới có được tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Người chưa giác ngộ, chưa được giáo dục đúng mức có thể động cơ, mục đích của họ làm việc chỉ để lãnh lương, làm cho xong việc, có khi chất lượng không cao. Vì vậy, người có chuyên môn thôi chưa đủ mà phải học tập, rèn luyện nâng cao trình độ giác ngộ về chính trị, để có thái độ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Vì vậy, song song với chuyên môn, người đó phải có hồng nên đủ cả hai: vừa hồng vừa chuyên.

Khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, đa số các cán bộ chiến sĩ xuất thân từ công nông, họ có giác ngộ về giai cấp nhưng trình độ văn hóa còn thấp nên hạn chế khả năng làm việc. Để khắc phục, Đảng ta đã tổ chức bồi dưỡng nâng trình độ văn hóa và chuyên môn, qua đó dần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đang đòi hỏi. Ngược lại, có một số trí thức có trình độ học vấn cao, nhưng giác ngộ chính trị chưa cao thì Đảng đã đưa họ tham gia công tác, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với công nhân và người lao động để góp phần nâng giác ngộ giai cấp cho họ. Cách làm ấy khắc phục được mặt yếu kém cho từng đối tượng, tạo cho cán bộ một năng lực mới đảm bảo vừa hồng vừa chuyên.

Một cán bộ tốt đủ chuẩn chất phải vừa hồng vừa chuyên, nghĩa là nếu chỉ chịu thực hiện đúng luật công chức chỉ mới được điều kiện “cần”, phải khép mình sống trong tổ chức tiên phong gương mẫu của Đảng nữa mới có “đủ” tiêu chuẩn một cán bộ công chức của chế độ. Hơn nữa, khi trở thành người đảng viên rồi còn phải tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo để đáp ứng nhiệm vụ được cấp trên giao theo yêu cầu của Đảng. Tức phải được đào tạo nâng cao trình độ lý luận, có nhân sinh quan đúng, có quan điểm quần chúng, nhận thức đúng đắn những vấn đề đang diễn ra, có phương pháp làm việc tốt, phương thức lãnh đạo một đơn vị, ngành nghề…; đồng thời không ngừng tự học, tự rèn luyện để dần nâng mình lên.

Mặt khác, người cán bộ có trình độ chính trị thấp, không tương xứng với trình độ chuyên môn, có thể người đó sẽ không vững vàng về tư tưởng, lập trường cách mạng theo yêu cầu một cán bộ trong hệ thống chính trị của đất nước. Không chỉ vậy, nếu bản thân không có ý thức tu dưỡng, rèn luyện mà bị tác động, lôi kéo hoặc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì với trình độ chuyên môn sẵn có có thể gây hại cho tổ chức, cho Đảng, cho chế độ không nhỏ. Do vậy, phải đào tạo song song để một người phát triển đủ hai yếu tố hồng và chuyên mới đảm bảo yêu cầu một cán bộ vì dân, phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị của chế độ ta đòi hỏi một người phải có “hồng” và “chuyên” mới có đủ chuẩn chất cơ bản.

Trong thực tế, có một số người có trình độ học vấn cao, có chuyên môn cao, đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhưng họ không thường xuyên rèn luyện, phấn đấu nên “sắc hồng” trong họ dần dần phai nhạt và dẫn đến việc họ xa rời, thậm chí phản bội lại tổ chức. Cũng có không ít người có trình độ học vị cao, nhưng không có trình độ chính trị, thường dễ mơ hồ trong nhận thức, đôi khi có phát biểu và hành động không hợp chuẩn. Không chỉ vậy, cũng có người có học vị cao, nhưng nhận thức chính trị lệch lạc, trở thành kẻ tiếp tay cho các thế lực chống phá Đảng và Nhà nước ta, thậm chí đứng hẳn về phía đối lập.

Trong giai đoạn hiện nay, đối với cán bộ công chức, đảng viên, yêu cầu quan trọng là phải tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ chính trị; mặt khác còn phải qua bố trí công tác, thử thách từ thực tiễn cuộc sống, giúp họ có lập trường chính trị vững vàng, đạo đức lối sống phù hợp. Bên cạnh đó, thực tế khách quan luôn tác động cả mặt tốt lẫn xấu vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm từng người; có người hôm qua biểu hiện tích cực, nhưng hôm nay có biểu hiện lệch lạc. Làm sao giữ cho họ được “hồng” càng ngày càng thắm, “chuyên” càng ngày càng sâu, là yêu cầu quan trọng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên. Bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực rèn luyện không ngừng để trau dồi cả về chính trị và chuyên môn. Mặt khác, tập thể, tổ chức phải chú ý giúp đỡ, uốn nắn cho đồng chí mình khi thấy có những lệch lạc về nhận thức, những diễn biến về tư tưởng với phương châm “trị bệnh cứu người” kịp thời thì sẽ giữ được cán bộ, bảo vệ sự trong sáng của mỗi đảng viên, tức là bảo vệ sự trong sạch của Đảng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *