Hội chứng sợ lỗ (trypophobia) hay còn gọi là bệnh sợ lỗ, là tình trạng một người cảm thấy khó chịu hay sợ hãi khi nhìn thấy các lỗ tròn, hoặc đốm tròn sắp xếp tập trung gần nhau.
Bạn đã từng cảm thấy sợ hãi, nổi da gà mỗi khi nhìn vào vòi hoa sen hay quả dâu tây chưa? Nếu có, rất có thể bạn đã nằm trong số 15% dân số thế giới có hội chứng sợ lỗ. Vậy hội chứng sợ lỗ là gì, tại sao nó lại xuất hiện, điều trị như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị của hội chứng vẫn còn nhiều bí ẩn này.
Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Nguyễn Đỗ Vũ, đánh giá và duyệt nội dung bởi THS Công Nghệ Sinh Học Nguyễn Thị Thắm. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Hội chứng sợ lỗ (trypophobia) hay còn gọi là bệnh sợ lỗ, là tình trạng một người cảm thấy khó chịu hay sợ hãi khi nhìn thấy các lỗ tròn, hoặc đốm tròn sắp xếp tập trung gần nhau. Cụm lỗ, đốm tròn càng lớn thì càng dễ kích thích gây ra cảm giác sợ hãi.
Hình dạng của lỗ, đốm cũng không nhất thiết phải là hình tròn, có thể là hình oval. Điều kì lạ là đa số các vật thể gây ra cảm giác sợ hãi này là những thứ vô hại. Ví dụ, bề mặt của vòi hoa sen hay quả dâu tây có thể là yếu tố kích hoạt đối với những người có hội chứng này.
Thuật ngữ “trypophobia” lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2005, trên một diễn đàn internet. Từ đó, càng lúc càng có nhiều người hơn chia sẻ về việc mình có hội chứng này. Hiện nay, nhiều tình trạng ám ảnh chưa được được công nhận chính thức là một bệnh lý, các nhà nghiên cứu về trypophobia cũng đang tranh cãi về việc liệu nó có nên được coi là một tình trạng bệnh lý hay không. Dù vậy, hội chứng này vẫn có thể được nhận biết và điều trị như các bệnh lý khác.
Các tác nhân kích hoạt
Những vật thể có thể làm cho người mắc hội chứng sợ lỗ xuất hiện triệu chứng được gọi là tác nhân kích hoạt. Các tác nhân kích hoạt phổ biến bao gồm:
- Vỏ hạt sen
- Tổ ong
- Quả dâu tây
- Hạt lựu
- Lỗ khí trong ruột bánh mì
- Bề mặt xi măng
- San hô
- Bọt xà phòng
- Hơi nước ngưng tụ
- Bong bóng nước
Các đốm da và lông của các loài động vật như côn trùng, động vật lưỡng cư, động vật có vú… cũng có thể kích hoạt các triệu chứng của trypophobia.
Những thứ bình thường như bề mặt tường xi măng cũng có thể kích thích các triệu chứng sợ lỗ.
Triệu chứng của hội chứng sợ lỗ là gì?
Người bị hội chứng sợ lỗ sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng về thể chất và tinh thần khác nhau tùy theo mức độ ám ảnh. Các triệu chứng được kích hoạt khi một người nhìn thấy một vật thể có cụm lỗ hoặc hình dạng nhỏ giống như lỗ. Khi nhìn thấy một cụm lỗ, những người bị trypophobia phản ứng với sự ghê tởm hoặc sợ hãi. Các triệu chứng bao gồm:
- Nổi da gà
- Dợ hãi, hoảng loạn
- Cảm thấy không thoải mái
- Khó chịu về thị giác như mỏi mắt, biến dạng tầm nhìn, trường hợp nặng có thể xuất hiện ảo ảnh
- Cảm giác kiến bò trên da
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn và nôn
- Cơ thể run rẩy
Chẩn đoán và điều trị hội chứng sợ lỗ
Để chẩn đoán, các bác sĩ sẽ hỏi bạn một loạt câu hỏi về các triệu chứng của bạn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người mắc hội chứng sợ lỗ có nhiều khả năng bị rối loạn trầm cảm hoặc rối loạn lo âu tổng quát, vì vậy cần chú ý đến tiền sử y tế, tâm thần và xã hội.
Tham khảo Cẩm nang thống kê và chẩn đoán bệnh của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5) có thể trợ giúp chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý tâm thần đi kèm. Cần lưu ý rằng chẩn đoán hội chứng sợ lỗ chỉ cho thấy một tình trạng bất thường của cơ thể nhưng nó chưa được chứng minh là một bệnh lý.
Có nhiều cách khác nhau để điều trị một nỗi ám ảnh. Hình thức điều trị hiệu quả nhất là liệu pháp tiếp xúc. Liệu pháp tiếp xúc là một loại liệu pháp tâm lý tập trung vào việc thay đổi phản ứng của bệnh nhân với đối tượng hoặc tình huống gây ra nỗi sợ hãi của họ.
Một phương pháp điều trị phổ biến khác cho nỗi ám ảnh là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Liệu pháp này kết hợp liệu pháp tiếp xúc với các kỹ thuật khác để giúp bạn quản lý sự lo lắng của mình và giữ cho suy nghĩ không bị choáng ngợp khi đối mặt với nỗi sợ hãi.
Các lựa chọn điều trị khác có thể giúp quản lý nỗi ám ảnh của bạn bao gồm:
- Thuốc: các loại thuốc chẹn beta và thuốc an thần giúp giảm lo lắng và hoảng loạn
- Các kỹ thuật thư giãn (như hít thở sâu và yoga)
- Thường xuyên vận động thể chất
- Nói chuyện với bác sĩ có chuyên môn về tâm lý hoặc tâm thần học
Cuối cùng, một chế độ sinh hoạt lành mạnh: nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống khoa học, tránh uống nhiều caffeine và tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè, gia đình hoặc nhóm hỗ trợ sẽ giúp bạn duy trì một tinh thần khỏe mạnh và biết cách xử lý khi đối mặt với nỗi sợ hãi.
Kết luận về hội chứng sợ lỗ
Hội chứng sợ lỗ (trypophobia) không phải là một nỗi ám ảnh được công nhận chính thức. Một số nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nó tồn tại dưới một hình thức nào đó và có các triệu chứng thực sự có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của một người nếu họ tiếp xúc với các nhân tố kích hoạt. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị hội chứng này. Việc này có thể giúp tìm ra gốc rễ của nỗi sợ hãi và quản lý tốt các triệu chứng.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/trypophobia#treatment
- https://www.verywellmind.com/trypophobia-4687678
Tham Khảo Thêm:
Leave a Reply