TÂY DƯƠNG SÂM
( Radix Panacis Quinguefollii)
Tây dương sâm còn gọi là Dương sâm, Tây sâm, Hoa kỳ sâm, Tây dương Nhân sâm, Quảng đông Nhân sâm, đầu tiên được ghi trong sách Bản thảo tùng tân là rễ của cây Tây dương sâm ( Panax quinque folium L.) . Cây Tây dương sâm mọc nhiều ở Mỹ, Canada và Pháp, Trung quốc có di thực làm thuốc.
Tính vị qui kinh:
Vị đắng, hơi ngọt, hàn, qui kinh: Tâm, Phế, Thận.
Theo Y văn cổ:
- Sách Bản thảo tùng tân: đắng, hơi ngọt, hàn.
- Sách Bản thảo tái tân: vị ngọt, cay tính lương, vô độc, nhập Tâm, Phế, Thận.
- Sách Bản thảo tiện độc: vị đắng mà ngọt, tính hàn.
Thành phần chủ yếu:
Panaquilon. Saponins.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Tây dương sâm có tác dụng bổ khí dưỡng âm, thanh nhiệt, sinh tân. Chủ trị chứng phế thận, âm hư, chứng khí hư, tân dịch hao tổn.
Theo các Y văn cổ:
- Sách Bản thảo tùng tân: ” bổ phế giáng hỏa, sinh tân dịch, trừ phiền, thích hợp với chứng hư hỏa”.
- Sách Bản kinh cương mục thập di: ” bổ âm thoái nhiệt, khương chế ích khí, phò chính khí”.
- Sách Bản thảo tái tân: ” trị phế hỏa vượng, ho đờm nhiều, khí hư suyễn, thất huyết lao thương, cố tinh an thần, trị các chứng hư do sinh đẻ”.
- Sách Bản thảo cầu nguyên: ” thanh phế thận, lương tâm tỳ để giáng hỏa, tiêu thử, giải độc rượu”.
- Sách Y học trung trung tham tây lục: ” bổ trợ khí phần kiêm bổ ích khí huyết phần, tính của thuốc lương mà bổ. Cần dùng Nhân sâm mà không muốn ôn bổ có thể dùng thuốc này thay. Duy vị Nhân sâm trong bài: ” Bạch hổ gia Nhân sâm thang” thì dùng Đảng sâm thay mà không thay bằng Tây dương sâm vì nó không có tác dụng thăng phát như Đảng sâm để trợ Thạch cao trục tà khí ra ngoài”.
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Saponin Nhân sâm Rb1 có tác dụng làm giảm lực cơ, làm giảm vận động tự phát của súc vật thực nghiệm, kéo dài thời gian gây ngủ của Barbituric, làm giảm nhẹ cơn co giật do kích thích điện và hóa chất. từ đó mà biết Rb1 có tác dụng với trung khu thần kinh, giảm đau, an thần, giải nhiệt, chống co giật.
- Saponin Tây dương sâm cũng có tác dụng tăng lực, chống mệt mỏi, chống lợi niệu, chống thiếu oxy nhưng kém hơn Nhân sâm do hàm lượng của các loại Saponin Rb2, Rc, Rg1 thấp hơn.
- Saponin Tây dương sâm cũng có tác dụng hạ đường huyết, ảnh hưởng đến chuyển hóa mỡ và protid nhưng yếu hơn Nhân sâm. Thuốc Tây dương sâm còn có tác dụng chống rối loạn nhịp tim.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị lao phổi thuộc chứng phế thận âm hư: có triệu chứng ho khó thở, đờm có ít máu, dùng Tây dương sâm gia Mạch môn, A giao, Tri mẫu, Bối mẫu có tác dụng dưỡng âm, thanh phế, hóa đờm.
2.Trị chứng sốt do ngoại cảm hoặc bệnh nội thương lâu ngày: người mệt mỏi, bứt rứt phiền khát, nóng sốt, dùng Tây dương sâm phối hợp với Mạch môn, Ngũ vị, Sinh địa tươi, Thạch hộc tươi, có tác dụng bổ khí dưỡng âm, sinh tân, thanh nhiệt. Trường hợp chứng tiêu khát thuộc khí âm lưỡng hư kiêm nội nhiệt dùng Tây dương sâm gia Sinh Hoàng kỳ, Sinh Sơn dược, Thiên hoa phấn.
3.Trị chứng choáng do sốt xuất huyết: trên cơ sở dùng thuốc tây y, dùng thêm Tây dương sâm 10g, nếu âm thóat gia Mạch môn 30g, Ngọc trúc 12g, Ngũ vị tử 3g. Nếu dương thóat gia Phụ tử 6 – 10g, Mẫu lệ nung 30 – 60g. Nếu âm dương lưỡng hư gia Phụ tử 6g, Long cốt 24g, Mẫu lệ nung 30 – 60g, Mạch môn 24g, ngày 1 thang sắc uống, nặng thì 2 thang, không uống cho xông đường mũi, thêm truyền dịch Đơn sâm phức phương 8 – 12g ( mỗi ống có 2g Đơn sâm), liệu trình 3 – 4 ngày. Trị 272 ca, tử vong 7 ca, tỷ lệ tử vong 2,57% so với tổ đối chiếu dùng Tây y 68 ca chết 11, tỷ lệ tử vong 16,18% ( Từ Đức Tiên và cộng sự: Quan sát kết quả điều trị sốt xuất huyết bằng Đông tây y kết hợp – Tạp chí Trung tây y kết hợp 1986,2:93).
4.Trị phản ứng do xạ trị ung thư mũi họng: dùng Tây dương sâm sắc uống mỗi ngày 3g, bắt đầu dùng trước khi xạ trị 2 tuần đến hết xạ trị. Theo dõi 20 ca do xạ trị gây nên họng khô, chán ăn kết quả tốt, tốt hơn so với uống Nhân sâm ( Mao Thừa Việt, Điều trị phản ứng do xạ trị đối với Ung thư đầu cổ – Tạp chí Trung y dược Thượng hải 1979,4:29).
Liều thường dùng và chú ý:
- Liều: 3 – 6g nếu thuốc thang nhiều vị sắc riêng.
- Không nên dùng đối với chứng dương hư, hàn thấp, hỏa uất khí trệ.
- Thuốc không dùng chung với Lê lô, không dùng dao bằng sắt thái, cắt và sao với lửa ( theo sách Bản thảo cương mục thập di).
Leave a Reply