Trường hợp nào trẻ em cần chăm sóc thay thế?

Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em đóng vai trò quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội. Sau đây, cùng tìm hiểu về các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế.

Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Theo đó, chăm sóc thay thế là biện pháp bảo vệ trẻ em, bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh, phát triển cũng như tạo điều kiện để trẻ em được bảo vệ khỏi những hành vi xâm hại cũng như được hỗ trợ trong trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo Điều 62 Luật trẻ em 2016 quy định các trường hợp sau đây trẻ em cần chăm sóc thay thế:

Thứ nhất: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa.

Trẻ em mồ côi là trẻ em mà cả cha mẹ đẻ đã chết hoặc một trong hai người đã chết và người kia không xác định được.

Trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ.

Trẻ em không nơi nương tựa là trẻ em không có được sự chăm sóc, giáo dục từ của gia đình cũng như người bảo hộ.

Thứ hai: Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.

Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Đây là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ em. Vì vậy trong trường hợp trẻ em không được sống với cha mẹ; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ hoặc cha, mẹ chính là người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em thì trẻ cần nhận chăm sóc thay thế của các tổ chức, gia đình, cá nhân.

Thứ ba: Trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ.

Thiên tai là hiệu ứng của tai biến tự nhiên như: lũ lụt, phun trào núi lửa, bão, động đất, sạt lở….gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, thiệt hại về con người, của cải, vật chất, tài chính.

Thảm họa là sự cố, tai nạn gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản gây tác động xấu và để lại hiệu quả lâu dài đối với đời sống xã hội và môi trường trên phạm vi rộng hơn.

Xung đột vũ trang là sự đối lập về những nhu cầu, giá trị và lợi ích.

Trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang là những đối tượng chịu nhiều tổn hại, thiệt hại về thể chất và điều kiện sống nên việc chăm sóc thay thế là điều cần thiết.

Thứ tư: Trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ.

Lánh nạn, tị nạn là buộc phải di rời, bị buộc phải vượt qua biên giới quốc gia và không thể trở về nhà an toàn.Theo đó, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc là đối tượng cần nhận được chăm sóc thay thế.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật trẻ em.

Luật Hoàng Anh


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *