Tìm hiểu lý luận địa tô của C.Mác và sự vận dụng của Đảng ta
05/05/2023
C. Mác sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Tơriơ trong gia đình luật sư Heinrich Marx và mất ngày 14/3/1883 tại Luân Đôn (Anh). Tên tuổi và lý luận của ông đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt thế giới. C.Mác – Nhà kinh tế chính trị học, nhà triết học thiên tài của Đức đã để lại cho nhân loại biết bao học thuyết mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có học thuyết giá trị thặng dư, các học thuyết của C.Mác được trình bày trong Bộ tư bản. Bộ tư bản là tác phẩm chủ yếu của C.Mác, ông đã làm việc 40 năm để viết tác phẩm này, từ giữa những năm 40 của thế kỷ XIX cho tới khi ông qua đời. Tập I (quyển I) ra mắt bạn đọc năm 1867, các tập theo được xuất bản sau khi C.Mác qua đời và do Ph.Ăngghen chuẩn bị để đưa in. Trong Bộ tư bản, C.Mác đã trình bày những vấn đề quan trọng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đặc biệt vạch rõ sự chuyển hóa của lợi nhuận bình quân thành địa tô. Khi nghiên cứu về địa tô, C.Mác tập trung nghiên cứu địa tô nông nghiệp trong những nước có nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, C.Mác đã chỉ rõ: mức địa tô hoàn toàn không phải do hành vi của người hưởng địa tô quyết định, mà là do sự phát triển của xã hội quyết định. Nếu địa tô phong kiến dựa trên quan hệ cưỡng bức siêu kinh tế của địa chủ đối với nông dân thì địa tô tư bản chủ nghĩa dựa trên quan hệ kinh tế giữa địa chủ với tư bản và giữa tư bản với lao động làm thuê, địa tô tư bản chủ nghĩa chỉ là một phần giá trị thặng dư do công nhân nông nghiệp tạo ra, vì một phần giá trị thặng dư phải chuyển thành lợi nhuận cho nhà tư bản (nhà đầu tư vào nông nghiệp cũng phải thu được lợi nhuận bình quân như mọi lĩnh vực đầu tư khác).
Địa tô tư bản chủ nghĩa là một bộ phận lợi nhuận siêu ngạch do công nhân làm thuê trong nông nghiệp tạo ra (tức là bộ phận giá trị thặng dư sau khi trừ đi lợi nhuận bình quân của nhà tư bản đầu tư vào nông nghiệp) và do nhà tư bản thuê đất nộp cho người sở hữu ruộng đất. Hay nói cách khác đi: địa tô tư bản chủ nghĩa là phần lợi nhuận siêu ngạch, ngoài lợi nhuận bình quân. Nó phản ánh quan hệ ba giai cấp, tức là phản anh quan hệ giữa địa chủ và tư bản kinh doanh nông nghiệp trong việc chia nhau giá trị thặng dư do công nhân nông nghiệp tạo ra và quan hệ giữa địa chủ với lao động làm thuê trong nông nghiệp. Như vậy, địa tô gắn liền với quyền sở hữu ruộng đất.
Khi phân tích về địa tô, C.Mác đã chỉ ra hai hình thái cơ bản của địa tô là địa tô chênh lệch và điạ tô tuyệt đối. Địa tô chênh lệch là lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân được hình thành trên những ruộng đất có điều kiện kinh doanh trung bình và thuận lợi. Để cho một phần lợi nhuận có thể chuyển hóa thành địa tô, tức là một phần trong giá cả hàng hóa lại có thể rơi vào tay địa chủ, cần phải xuất hiện lợi nhuận siêu ngạch bằng số chênh lệch giữa giá cả sản xuất cá biệt của những người sản xuất có những điều kiện thuận lợi hơn với giá cả sản xuất chung.
C.Mác chỉ ra: Địa tô chênh lệch có hai hình thái đó là địa tô chênh lệch 1 và địa tô chênh lệch 2; địa tô chênh lệch 1 là địa tô thu được trên những ruộng đất khác nhau về độ phì nhiêu hoặc vị trí; địa tô chênh lệch 2 là kết quả của năng suất khác nhau của những lần đầu đầu tư nối tiếp nhau trên cùng một thửa đất (thâm canh).
Địa tô tuyệt đối do độc quyền tư hữu ruộng đất: bất cứ ai muốn sử dụng ruộng đất thuộc độc quyền tư hữu thì đều phải nộp địa tô cho chủ sở hữu ruộng đất đó không kể độ phì và vị trí như thế nào, đó là địa tô tuyệt đối. Địa tô tuyệt đối hình thành nhờ cấu thành hữu cơ tư bản trong nông nghiệp thấp, do đó giá trị thị trường của nông sản cao hơn giá cả sản xuất của nó; nông nghiệp không tham gia bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận chung.
Bên cạnh đó C.Mác đã đề cập địa tô đất xây dựng, địa tô hầm mỏ do địa tô của đất nông nghiệp chính thống điều tiết, đồng thời khẳng định: “Giá cả ruộng đất chẳng qua chỉ là địa tô tư bản hóa” và vạch rõ giá cả ruộng đất là do các quan hệ sản xuất của phương thức sản xuất tư bản sinh ra. C.Mác đã chỉ ra công thức tính giá cả ruộng đất:
Giá cả ruộng đất = địa tô/Tỷ suất lợi tức nhận gửi của ngân hàng
Lý luận địa tô tư bản chủ nghĩa của C.Mác không những chỉ rõ bản chất quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mà còn là cơ sở khoa học để Đảng, Nhà nước ta ban hành Luật đất đai, xây dựng các chính sách kinh tế liên quan đến thuế, đến điều tiết địa tô… nhằm kết hợp hài hòa các lợi ích, khuyến khích thâm canh, sử dụng đất đai tiết kiệm. Nghiên cứu về các hình thức địa tô của C.Mác, nhất là địa tô chênh lệch là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước ban hành chính sách giá đất đối với kinh doanh, dịch vụ; với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Đồng thời, nghiên cứu lý luận địa tô tư bản chủ nghĩa của C.Mác cung cấp cơ sở khoa họa để nhận thức chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là sự thống nhất và là sự tách rời tương đối quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai thể hiện ở Luật đất đai, cụ thể:
Điều 1, Luật đất đai năm 1987 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho các nông trường, lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xí nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân-dưới đây gọi là người sử dụng đất – để sử dụng ổn định, lâu dài.
Điều 5, Luật đất đai 2003 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Điều 4, Luật đất đai 2013 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Điều 13, xác định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ.
Bên cạnh việc xác định quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với đất đai, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về quản lý đất đai, cụ thể: Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Nghị quyết đã đề ra quan điểm chỉ đạo là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, được xác định cụ thể phù hợp với từng loại đất, từng đối tượng và hình thức giao đất, cho thuê đất. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, đến Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra…
Để quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, Đảng ta đã đề ra những giải pháp thực hiện như sau:
Một là, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng và đang triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
Bốn là, đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Như vậy, nghiên cứu lý luận địa tô tư bản chủ nghĩa của C.Mác là cơ sở khoa học, cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước ban hành Luật đất đai, xây dựng chính sách về thuế đất trong nông nghiệp, xây dựng khung giá khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê… là cơ sở để giao khoán ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân, khuyến khích họ đầu tư thâm canh, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Võ Thị Thúy Liễu – Trường Chính trị tỉnh
Leave a Reply