Cashmere là vải gì?
Vải cashmere là một loại vải xa xỉ đã có từ rất lâu, chỉ những nhà đầu tư giàu có hay những nhân vật tầm cỡ mới có thể sở hữu.
Nguồn gốc vải sợi cashmere
Vải cashmere có nguồn gốc từ vương quốc Kashmir – Nay là một vùng đất của Ấn Độ, Cashmere được thu hoạch từ những vùng núi rất cao ở khu vực Himalaya. Cashmere được lấy từ lông dê và mỗi năm, chỉ có thể lấy được từ 50-150 gram Cashmere từ những phần lông mềm mại nhất của mỗi chú dê. Với những chú dê sẽ có 2 phần lông, một phần khá thô bên ngoài và một phần cực kỳ mềm mại nằm ở dưới lớp thô, và đấy chính là lớp lông được thu hoạch.
Những chú dê đã phải trải qua một thời gian dài để thích nghi với những vùng có điều kiện khí hậu khắc nhiệt, giá lạnh và có thể lạnh tới âm 40 độ. Để chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt này thì các chú dê này đã có thêm cho mình một lớp lông mềm mại và cực kỳ ấm áp. Phần lớn dê Cashmere sống ở những quốc gia như Trung Quốc, Mông Cổ và Iran vì những quốc gia này có khí hậu khắc nghiệt hơn khi về đông.
Sự mềm mại của những chiếc áo len làm từ Cashmere không thể được so sánh với bất cứ loại áo len nào khác. Một ưu điểm đáng chú ý nữa là áo len làm từ Cashmere ấm gấp 6 lần các loại áo len khác, ví dụ như áo len làm từ lông cừu. Bạn sẽ không cảm thấy lạnh nhiều khi mặc áo len Cashmere.
Ý nghĩa cái tên Cashmere
Xuất phát từ Kashmir, nơi xuất xứ của loại len này. Loại len này bắt đầu được biết đến sớm nhất ở Mông Cổ vào thế kỷ 13. Theo sử gia Michelle Maskiel từ những năm 1500 để đến tận cuối những năm 1900, Hoàng đế Iran và Ấn Độ thường sử dụng khăn Kashmir trong các thiết lập chính trị và tôn giáo. Trong cuối thế kỷ 18, nhà sản xuất dệt may Scotland Joseph Dawson phát hiện khăn choàng làm từ sợi len Cashmere ở Ấn Độ và bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu cho nhà máy của mình ở Scotland. Dawson bán khăn choàng cho phụ nữ tầng lớp thượng lưu người Anh và được đánh giá cao bởi sự mềm mại và ấm áp.
Cách tạo ra loại vải cao cấp này
Lông dê Cashmere có thể thu được vào mùa thay lông của các chú dê này. Có 2 cách để lấy lông Cashmere, cách đầu tiên và mất thời gian nhất đó chính là dùng bàn chải cỡ lớn. Người thực hiện quy trình này sẽ phải làm trong một thời gian khá lâu, khoảng 2 tuần nhưng cách này đem lại những sợi lông mềm mại và chất lượng nhất. Cách tiếp theo đó là sử dụng các công cụ cắt tỉa để cắt lông, việc cắt hiển nhiên sẽ nhanh hơn nhưng lông thô và lông mịn sẽ bị trộn lẫn vào nhau, xử lý những phần này lại mất công hơn.
Phần lông được lấy từ việc chải lông sẽ được xem là vải Cashmere cao cấp, còn phần lông cắt sẽ được xem là vải Cashmere tầm trung vì không mượt và nhẹ bằng loại kia.
Phân loại các loại vải cashmere
Dựa trên độ tinh khiết (độ mịn) và độ dài của sợi người ta chia vải len Cashmere thành 3 loại sau:
– Loại A: Loại sợi cashmere này sẽ mỏng và dài nhất, đường kính rất nhỏ có thể xuống thấp đến 14 micron, có độ dài tới 36 mm. Các sản phẩm từ loại sợi cashmere này có độ bền rất cao.
– Loại B: Loại sợi cashmere này có đường kính khoảng 19 micron, chất lượng có phần thấp hơn so với loại A.
– Loại C: Loại sợi cashmere này dày và có đường kính khoảng 30 microm, chất lượng thấp hơn loại A và B nên có giá thành rẻ hơn nhiều.
Điều gì khiến giá thành của Cashmere đắt đỏ?
– Quy trình thu gom, sản xuất ra len cashmere mất rất nhiều công sức và thời gian.
– Trung bình cần tới lông của 4 chú dê để tạo ra một chiếc áo khoác.
– Sản lượng len cashmere được tạo ra rất thấp vì phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng và lượng lông của mỗi chú dê (chi phí để nuôi những chú dê cashmere là rất cao, thêm vào đó môi trường ngày càng khắc nghiệt khiến việc chăn nuôi trở nên khó khăn hơn).
– Quy trình sản xuất khác nhau ở mỗi quốc gia sẽ tạo ra các loại vải cashmere khác nhau, dẫn đến sự chênh lệch về giá cả của các sản phẩm.
Vải cashmere có giặt được không?
Bạn cần lưu ý những điều sau khi giặt và bảo quản sản phẩm từ sợi cashmere:
Khi mặc đồ làm từ vải Cashmere, bạn cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh bám bụi. Áo khoác cashmere cần chải nhẹ nhàng theo chiều của lông bằng bàn chải tĩnh điện với đầu lông mềm để phủi bụi và ngăn bướm đêm ẩn nấp trong lớp vải. Nếu chẳng may bị dính vết bẩn, hãy giặt bộ đồ kịp thời để tránh vết bẩn lưu lại lâu trên bề mặt len cashmere và khó tẩy hơn.
Việc giặt vải Cashmere cần chú ý đến nhiệt độ của nước. Nói chung là bạn nên dùng nước ấm khoảng 30 ℃. Sau khi đã khuấy đều nước giặt chuyên dụng, bạn có thể vò nhẹ quần áo.
Tốt nhất là giặt tay và vò nhẹ nhàng để đảm bảo độ bền của vải cashmere. Hoặc các bạn cũng có thể cho thêm một chút giấm hoặc nước xả vào nước sạch để giặt.
Vải Cashmere sau khi giặt xong phải sấy khô, ủi, rồi mới cất. Quần áo lót cần gấp nhẹ, cho vào túi ni lông, treo áo lên là cách bảo quản tốt nhất.
Khi bảo quản các sản phẩm làm từ vải Cashmere, hãy chú ý đặt chúng ở nơi có bóng râm để tránh vải bị phai màu.
Các bạn cũng cần lưu ý luôn duy trì môi trường thông thoáng, mát mẻ. Nơi bảo quản cần tránh bụi bẩn, tránh ẩm ướt, không được phơi nắng. Tốt nhất nên để thêm các chất chống côn trùng trong tủ quần áo để tránh việc những món đồ sang trọng của bạn bị côn trùng, mối mọt làm rách hay bị nấm mốc.
Leave a Reply