“Chồi biếc” là tập thơ thứ mười của Hồng Vinh mà cái tên gọi đã khái quát cao nhất về một phong cách triết lý nồng nàn, ấm áp, trẻ trung đầy ắp niềm tin, hy vọng vào cuộc đời và con người. Thường neo tâm trạng vào các sự kiện có thật trong đời tư, hay trong đời sống lịch sử – xã hội, nên thơ anh vừa rõ nét riêng – một cái “tôi” khó lẫn, vừa mang dấu ấn cái chung cộng đồng – một tầm phổ quát thế thái nhân tình. Thơ anh là sự trải nghiệm, là sự kết tinh từ những thao thức, suy tư mang chiều sâu triết học.
Luôn hướng vào cuộc đời, bắt lấy những mạch sống tươi mới nhất để suy tư, tạo cho thơ anh vừa thời sự, mới mẻ, vừa có chiều sâu trí tuệ. Bài “Từ thực tại sinh tồn, suy ngẫm…” đi đúng vào cái mạch văn học môi trường trên thế giới. Anh đưa ra tiếng nói sinh thái khẩn thiết báo động một nghịch cảnh mà con người tạo ra: “Hoa sưa đã tàn từ lâu/ Mà cuối hạ, phượng mới bừng sắc đỏ/ Chùm quả ban ngả màu đen đúa/ Từng hạt rơi gửi đất đợi mùa sau”… Đó là nghịch cảnh hiển hiện ra trước mắt, là hình ảnh của hoa, của quả, của màu sắc tàn phai. Nhưng đây mới là nghịch cảnh xót xa: nơi quá thừa, nơi quá thiếu trên cơ thể đất nước mình: “Khi sông Hồng hối hả chảy về Đông/ Thì nước mặn lại thấm sâu đất Chín Rồng/ Khi miền Trung trắng trời nước lũ/ Thì đất lúa, rau ở Tây Bắc nẻ cong!”. Môi trường bật lên tiếng khóc: “Bãi tắm Đồng Châu, Hải Thịnh, Đồ Sơn…/ Nước đục khóc ròng nỗi đau của biển!!!”. Vì đâu?! Nhà thơ trở thành nhà triết học đi tìm câu trả lời. Trả lời bằng hình tượng nghệ thuật của thơ: “Những cao ốc thời đô thị chọc trời xanh/ Ngạo nghễ bóng đè bao ngôi nhà xập xệ/ Chất thải đen nhuộm đặc kênh đen/ Người như cá nghếch lên mà thở!” Tính từ “ngạo nghễ” như cái bản lề khép mở hai thế giới “nghịch cảnh”: những cao ốc chọc trời và “bao ngôi nhà xập xệ”. Những cao ốc kia không có lỗi. Lỗi ở con người tạo ra nghịch cảnh ấy! Cái động từ “nghếch” rất đắt kia đủ nói lên cái hoàn cảnh ngột ngạt đã đến tận cùng! Phép so sánh (người như cá) sâu sắc, thật tinh tế kia rất đúng với bản chất của mối quan hệ môi sinh: không có nước thì cá chết; cũng vậy, không có môi sinh, con người sẽ không tồn tại! Đó cũng là bản chất muôn thuở của triết học!
Thơ Hồng Vinh nhiều lắm những loài hoa tô điểm thêm hương sắc cho cuộc sống. Hoa làm sứ giả cho lòng người, tình người, cho cả những trái tim đang yêu. Nhưng ở bài “Bâng khuâng anh đào” thì lại là một triết lý về đời sống. Triết học tựa vào những mâu thuẫn để bật ra quy luật. Thơ triết lý thường kiến tạo những nghịch cảnh để khái quát lên ý tưởng. Người đọc phải mở cánh cửa mâu thuẫn để bước vào thế giới khác lạ: “Hoa anh đào mùa này ở Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ/ Bỗng dưng nở trước thời gian!”. Vì sao? Vì trái đất nóng lên. Đó là cái lạ. Lại xảy ra trong bối cảnh: “Khi đại dịch đang hoành hành nhiều nước” nên sự kiện đáng quan ngại gấp đôi. Hoa anh đào rất nhạy cảm với thời tiết, nếu nhiệt độ cao sẽ nở sớm. Quy luật cái Đẹp cũng nằm trong quy luật tự nhiên. Bằng cảm quan thi sĩ, tác giả như gióng lên một tiếng chuông sinh thái: nhân loại hãy cảnh giác! Anh đào là biểu tượng cho cái đẹp, nhưng đã nở sớm là một dấu hiệu bất thường. Cái ước mong nhân văn của nhà thơ muốn có một thay đổi lớn: “Từ lặng im đã lóe lên hy vọng/ Hàng triệu liều vacxin đang tỏa đi nhiều nước/ Chặn đại dịch cứu mạng người cùng loài hoa thắm sắc lung linh”…
Thế giới thơ Hồng Vinh tiêu biểu cho định nghĩa “Thơ là tiếng lòng” bật ra từ sự nấu nung, trăn trở. Đó là giọng thơ ấm áp, chân tình, gần gũi như những gì thân thiết thường ngày. Thơ anh nhiều màu xanh mà bài “Nhân tiếp màu xanh” chỉ là một: “Gian nan sáng lên hạnh phúc/ Cùng nhau nhân tiếp màu xanh”. Đọc thơ, người ta thêm tin yêu vào cuộc đời vì cuộc đời, dù còn vất vả, nhưng đã bừng lên bao gam màu sáng về tình người, phận người trong đau thương, hoạn nạn. Trong đại dịch Covid-19, hình tượng người thầy thuốc thật đúng với câu nói của cha ông: “Lương y như từ mẫu”. Hồng Vinh cảm phục và tri ân họ theo cách của nghệ thuật thơ: “Ngày mai lại có hơn trăm người ra viện/ Trở lại với những người thân/ Ngày mai, những người như chị Châu, anh Khánh/ Mấy tháng cùng làm trong viện/ Ngày gặp thoáng qua chỉ gật đầu/ Sẽ ở bên nhau hạnh phúc” (Ngày mai với người thầy thuốc). Người công an trong thơ anh mang nghĩ suy thường trực: hết mình vì dân, phục vụ dân: “Công việc thời Covid/ Ngày nối đêm chẳng dừng/ Vui lòng dân đồng thuận/ Mệt nhọc lùi xa nhanh! Dù dịch dã hiểm nguy/ Không làm anh chùn bước” (Người chiến sĩ công an)…
Như một quy luật, thơ vẫn phải tìm về hình tượng, hoặc coi đấy là “ngôi nhà trú ngụ”, hoặc coi đấy là “điểm tựa trữ tình” để thể hiện cảm xúc. Khi coi hình tượng là ngôi nhà, có nghĩa là cảm xúc thơ nương náu trong đó. Nhiều bài trong tập thơ này đã thể hiện rõ điều đấy. Hơn thế nữa, thơ Hồng Vinh còn có những bài vươn tới sự kiến tạo biểu tượng mới trên cơ sở kế thừa cái truyền thống: “Hàng cau cao vút/ Hương hoa ngạt ngào/ Ngọn trầu xanh ngát/ Quấn chặt thân nhau” (Quấn quít trầu – cau). Cảm xúc cũng quấn quýt trong hình tượng trầu cau. Câu thơ bắc cầu về miền quá khứ, đưa người đọc đến với vẻ đẹp văn hóa của tình nghĩa vợ chồng thủy chung, tình anh em máu mủ; cao hơn là tình người đậm đà, nồng hậu!
Thơ Hồng Vinh tươi trẻ, tinh khôi, ngập tràn nắng và gió của tự nhiên cũng như của cuộc đời. Có những trang thơ đẹp thật dung dị, chân quê: “Sông Hồng cuồn cuộn phù sa/ Hai bờ ngát xanh ngô lúa/ Dập dềnh những cánh buồm nâu/ Đợi em về khi chiều xuống/ Còn đây những mùa hoa nở/ Ngày về, gặp lại em/ Đường làng rắc đầy hoa gạo” (Nhớ những dòng sông quê). Nhiều lắm những màu xanh gợi nên hy vọng xôn xao, hướng ta về phía tốt lành, hạnh phúc: “Cù lao như chấm xanh/ Giữa sông Tiền, sông Hậu/ Mùa nước nổi mênh mang/ Vẫn mướt xanh cây trái” (Xanh mãi cù lao)… Thơ anh cho ta thêm niềm tin: “Giá băng còn phía trước/ Nhưng đồng thuận lòng người/ Ấm niềm tin vững chãi/ Hoa rực tràn muôn nơi!” (Hoa và người)…
Đó còn là thơ của những “cuộc lên đường”: “Tuổi thanh xuân ai cũng có cuộc lên đường” (Xanh mãi). Nhờ thế mà thơ anh trẻ trung, tươi mới. Cả tập thơ là cả một thế giới về không gian địa lý, không chỉ ở nhiều miền của đất nước Việt, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Nói đến điểm này, lại xin nhắc tới một nét thi pháp trong thơ anh là rất nhiều những “ngọn gió”. Ngoài nghĩa tả thực với gió bấc, gió Lào, gió rít, gió thổi, gió cuốn…, phải chăng gió cũng còn là những cuộc “lên đường” theo nghĩa ẩn dụ: “Chỉ hơn 3 thập niên/ Máu đã đổ ở Irắc, Chesnia, Ucraina, Xu-đăng…/ Kẻ tiếm quyền tìm cách triệt hạ kẻ nắm quyền/ Bạo lực đè lên bạo lực!/ Nay ngọn gió hòa bình đang thổi trên đất Afganixtan chăng?/ Cầu mong ngọn gió hòa bình cùng chiều gió bình yên/ Nhân loại chung tay đẩy lui chiến tranh và dịch dã!” (Ngược xuôi ngọn gió hòa bình). Có thể hiểu “ngọn gió” như những sứ giả đem hòa bình đến những nơi “máu đổ”, sẽ cuốn bay “bạo lực”, đem lại bình yên và hạnh phúc cho toàn nhân loại!
Trong văn hóa Việt, gió là một khúc biến tấu rất đa dạng về sắc thái nghĩa. Ngay trong “Truyện Kiều”, có tới 40 lần gió “thổi”. Tôi không có ý so sánh thơ của Nguyễn Hồng Vinh với “Truyện Kiều”, mà chỉ mượn xưa để chiếu vào nay. Tôi tạm dẫn ra đây mấy ví dụ tiêu biểu về nghệ thuật sử dụng từ “Gió” để diễn tả chiều sâu tâm trạng con người, hoặc đặc thù của sự kiện trong những không gian, thời gian cụ thể. Ví như viết về Bác Hồ nhân kỷ niệm Quốc khánh ngày 2/9 (cũng là ngày Bác đi xa mãi), Hồng Vinh viết: “Chớm thu/ Sóng lăn tăn mặt hồ/ Những tàu lá dừa phe phất/ Gợi nhớ lúc Bác lâm bệnh nặng/ Đòi uống ngụm nước dừa cho đỡ nhớ miền Nam…” (Đinh ninh lời Bác). Thăm Phú Quốc, nơi có nhà tù tàn bạo thời Mỹ – ngụy, tác giả gửi lời nhắn nhủ các thế hệ hậu sinh: “Có biển trời hôm nay thắm xanh, gió lộng/ Bâng khuâng tiếc thương bao người lính/ Xương cốt đã tan trong Đảo Ngọc này!” (Nghĩ từ Phú Quốc). Diễn tả tâm trạng của một thanh niên lớn lên bên dòng sông Tam Bạc đang thắp lửa yêu một cô gái, nhưng tự nhiên, cô ấy đi lên miền Tây Bắc dạy học, không lời chia tay, tác giả viết: “Mộng mơ đi theo gió cuốn/ Cánh buồm đơn lẻ, chênh chông” (Xốn xang tháng Tư). Viết về sự cách xa của vợ chồng nhà giáo, người dạy ở Hà Thành, người dạy ở vùng quê, nhưng những trang giáo án như là sợi dây kết nối hôm xưa và hôm nay, giúp họ giữ bền nghĩa tình chung thủy: “Gió chở nỗi nhớ, niềm thương/ Con chữ bay lên từ trang sách/ Tâm hồn ta xanh mãi với thời gian” (Xốn xang con chữ). Gió còn là “nguyên cớ” để các cặp uyên ương đến với nhau: “Nhà em ở ngã ba sông/ Gió mát dồn về nơi ấy/ Chiều chiều thuyền anh đứng đấy/ Hưởng chút lộc trời đã ban” (Ngã ba). Khi yêu nhau tha thiết, họ nuôi bao mong ước “Vừa mong đêm gió lộng/ Trăng rơi xuống đáy sông/ Lại mong heo may về sớm/ Khoác vai em khăn hồng” (Mong 2). Và đây là cảnh sông Cầu mùa hội Lim quan họ: “Ta mong ngày hội tháng Giêng/ Con đò nhẹ trôi trên sóng/ Sông Cầu lơ thơ nước chảy/ Thì thầm những cặp tình nhân” (Một thoáng sông Cầu). Còn khá nhiều bài rực sáng cảnh sắc thiên nhiên, diễn đạt sự phơi phới, yêu đời của nhiều giai tầng xã hội – đó cũng là động lực để họ vượt qua mọi gian lao của dịch dã và cuộc sống mưu sinh hằng ngày…
Chính lẽ đó, đã tạo cho tập thơ của Nguyễn Hồng Vinh đa dạng, đa chiều, mang nhiều tính triết lý nhân sinh mềm mại, tươi mới, sự hồn hậu, lạc quan, dễ đọng lại trong lòng người đọc. Với những đặc tính ấy, tôi tin và chúc cánh thơ Hồng Vinh còn bay cao, bay xa!
Hà Nội, tháng 3/2022
Leave a Reply