Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp trở lại Điện Biên, thăm đồi A1, địa điểm lưu giữ các chứng tích một thời chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tiêu diệt cứ điểm đồi A1
Đã được nghe, được xem qua truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng khi tận mắt nhìn thấy những chứng tích trên đồi A1 và qua lời giới thiệu truyền cảm của các thuyết minh viên Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, chúng tôi không khỏi xúc động như đang được sống trong không khí của những ngày chiến thắng năm xưa và tự hào về thế hệ cha, ông đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Ngược dòng thời gian, năm 1954, đồi A1 nằm ở phía đông của Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đứng ở đỉnh đồi có thể nhìn bao quát lòng chảo Điện Biên. Vì thế, về vị trí quân sự, đồi A1 là cứ điểm quan trọng nhất trong dãy đồi phía Đông, bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng thời, cùng các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh.
Do đó, nơi đây được tướng Đờ Cát bố trí một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ; cùng với đó là sự yểm trợ tối đa của máy bay, xe tăng, đại bác do Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm trực tiếp điều động. Lực lượng trấn giữ cứ điểm A1 được phân thành 3 tuyến: Tuyến 1, là tuyến phòng ngự chủ yếu; tuyến 2, nhằm mục đích ngăn chặn; tuyến 3 là tuyến cố thủ.
Tất cả các tuyến đều có giao thông hào, lô cốt, ụ súng kiên cố và đặc biệt thuận tiện trong việc hỗ trợ, chi viện cho nhau giữa các tuyến. Ngoài cùng, quân Pháp bố trí 5 lớp rào dây thép gai dày hơn 100m với nhiều loại bom, mìn dày đặc… Quân Pháp đã biến đồi A1 thành cứ điểm mạnh nhất trong tất cả các cứ điểm ở Điện Biên Phủ.
Tiêu diệt cứ điểm đồi A1 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm này. Hai trung đoàn đã thay thế, phối hợp chặt chẽ và anh dũng chiến đấu liên tục với 3 đợt tấn công và một đợt chủ động đánh phòng ngự.
Vào ngày cuối của trận đánh, quân ta đã bí mật đào một đường hầm đặt khối thuốc nổ nặng 960kg và cho điểm hỏa vào đêm ngày 6/5/1954. Vụ nổ đã phá hủy lô cốt địch phía trên, gây chấn động toàn tuyến phòng thủ của địch trên đồi A1.
Sáng 7/5/1954, ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. Qua 39 ngày đêm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động, diệt 825 lính Pháp, nhưng đổi lại, hơn 2.500 chiến sĩ của ta đã mãi mãi nằm lại nơi đây, máu của các anh đã thấm đẫm từng tấc đất, từng mét chiến hào trên cứ điểm, làm nên huyền thoại anh hùng.
Đồi A1 – “chìa khóa’’ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị phá vỡ, giải phóng được cứ điểm này, tạo bàn đạp cho quân ta tấn công sang Hầm Đờ Cát-xtơ-ri, bắt sống Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chứng nhân của thời “hoa lửa”
Tiếng súng đã dứt trên đồi A1 tròn 70 năm qua. Ngày nay, khi đến thăm khu di tích đồi A1, du khách được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn sót lại của trận đánh ác liệt năm xưa, như: Hố bộc phá tạo ra từ khối thuốc nổ ngàn cân làm lung lạc ý chí của kẻ thù; hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên trên đỉnh đồi, lô cốt cây đa cụt và hệ thống lô cốt của quân Pháp từng được coi là “bất khả xâm phạm”…
Đặc biệt, nơi đỉnh đồi A1 hôm nay, bên cạnh đài tưởng niệm vẫn còn nguyên chứng tích là xác của chiếc xe tăng Bazeille mà Pháp điều từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích Quân đội Việt Nam. Thế nhưng, nó đã bị 4 chiến sĩ của chúng ta bắn cháy vào rạng sáng ngày 1/4/1954, khiến Pháp mất hẳn hàng rào bảo vệ trên hệ thống phòng tuyến thứ 3. Một ngôi mộ tập thể được xây dựng ngay cạnh chiếc xe tăng Bazeille. Dù vô danh, không dòng tên họ, nhưng linh hồn các chiến sĩ đã được yên giấc ngàn thu trong lòng non sông đất nước.
Mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến thắng lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ sau ngày giải phóng, đồi A1 đã trở thành một trong những di tích của Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Di tích luôn được bảo tồn, tôn tạo và tu bổ giữ gìn, một số hạng mục tiêu biểu đã được khôi phục nhằm tái hiện một phần cục diện cuộc chiến năm 1954.
Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những ngày này, du khách nườm nượp đổ về tham quan các di tích lịch sử của tỉnh Điện Biên; trong đó, di tích đồi A1 đón lượng khách tăng gấp 3-5 lần so với ngày thường.
Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, cho biết: Để phục vụ tốt nhất du khách đến tham quan, đặc biệt là dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Quản lý đã rà soát, sửa chữa các hạng mục; tăng nhân lực phục vụ; phối hợp với các trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho sinh viên, tăng cường cho các điểm di tích vào đợt cao điểm đông khách; triển khai quản lý, thu phí tham quan điện tử.
Ngày nay, đồi A1 nằm ở địa phận phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, trở thành điểm di tích lịch sử nổi tiếng, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, thu thu hút nhiều du khách.
Bà Nguyễn Thị Thủy, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, xúc động nói: Là người con của đất lửa Quảng Bình, lần đầu tiên tôi được đến với Điện Biên. Chứng kiến tận mắt các chứng tích còn lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, tôi càng thêm tự hào và khâm phục tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta, càng thêm trân quý những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc, sự anh dũng của cha, ông.
Còn ông Lê Minh Tân, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, chia sẻ: Đến tham quan di tích đồi A1, cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh còn lưu giữ trên mỗi hố bom, đường hào hay những hiện vật được trưng bày. Đối với chúng tôi, những người đã đi qua chiến tranh, đã từng sống những giây phút hào hùng và bi tráng của thời khói lửa, mới thật sự thấm thía ý nghĩa lớn lao của hòa bình và độc lập.
Mỗi độ tháng 5 về, cứ điểm đồi A1 nằm trong quần thể Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ lại rực đỏ sắc màu của hoa phượng vĩ và nhộn nhịp những đoàn khách muôn phương đổ về tham quan, tri ân. Sau 70 năm, đồi A1 hôm nay vẫn là chứng nhân sừng sững của thời “hoa lửa”. Di tích đã trở thành một trong những điểm không thể không đến trong hành trình tìm về miền ký ức.
Nhóm PV
Leave a Reply