Có một báo cáo cho rằng, tỉ lệ nam tại Việt Nam nhiều hơn tỉ lệ nữ, song có một nghịch lý rằng, có những nơi tỉ lệ nam chiếm quá nhiều và ngược lại, có những lĩnh vực thu hút nữ tham gia hoạt động rất lớn. Có lẽ vì thế mà nảy sinh rất nhiều những câu chuyện tiếu lâm trong cuộc sống về việc âm thịnh dương suy, “mì chính cánh” công sở đã, đang và sẽ tồn tại trong đời sống
Nhận diện chân dung “Mr. Mì chính cánh” nơi công sở
Điểm thứ nhất: Luôn được phụ nữ vây quanh.
Nam, vốn học khối A, nên từ khi học cấp 2, 3 cho đến đại học đều học với rất nhiều các bạn bè cùng giới. Nhưng đến khi đi làm, do không có điều kiện làm đúng chuyên ngành nên Nam xin sang làm Kỹ thuật cho một công ty chuyên về Nhân sự. Khổ nỗi phòng Nam làm có 6 người, có mình Nam là nam giới. Chẳng thế mà, mỗi lần đi ăn trưa dưới căng tin, cánh đàn ông lại thấy tò mò với anh chàng đi cạnh 5 cô gái duyên dáng, cười cười nói nói mà phát ghen tỵ. Như vậy, đặc điểm đầu tiên là “được” nữ giới bao quanh dù muốn hay không muốn, có chăng cũng là một điểm đáng tự hào.
Điểm thứ hai: Được quan tâm săn sóc đặc biệt.
Vẫn là câu chuyện của những “Mr. Mì chính cánh” trong công sở, nếu chú ý một chút sẽ thấy “được nữ giới chăm sóc” là một đặc điểm khác của những anh chàng này. Cho dù là chăm sóc “một cách tự nguyện” như việc chị em lo lắng, quan tâm, hỏi han khi ốm đau, được “tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình” miễn phí… hay không tự nguyện như “được các em để ý” đến phát phiền, thì các anh chàng “mì chính cánh” chiếm vai trò “độc đinh” trong các văn phòng vẫn phải vui vẻ chấp nhận. Người ta nói khác dấu thì hút nhau, vì thế nên việc bị “hút mạnh” hơn do lệch cực thì cũng không quá khó hiểu.
Điểm thứ ba: “Điều thứ nhất: Phục vụ chị em là vinh quang, Điều thứ hai: nếu sai xem lại điều thứ nhất”.
Có lẽ nên đặt tên cho điểm nhận diện thứ ba trong chân dung các anh chàng Mì chính “không cánh” trong các văn phòng công sở. Hòa, cán bộ văn phòng kể: “Là nam giới trong phòng, từ việc to việc nhỏ, việc cái bàn cái ghế hỏng, cái bóng đèn vỡ, cái máy tính bị virus, dắt xe hộ chị em phụ nữ… mình đều phải “đau khổ một cách đầy vui vẻ” gánh vác. Không phải vì mình ngại, nhưng cũng không ít lần bị “vạ”, có cô bé đồng nghiệp hay tâm sự với mình, đến lúc chàng người yêu đọc tin nhắn tưởng mình và cô ấy thích nhau, hôm sau lên cơ quan gây sự, giải thích mãi là mình đã có người yêu và hoàn toàn “trong sáng”, vậy mà anh ta vẫn còn hậm hực. Hay hôm mình bị ốm mệt, trót to tiếng với một nàng chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào, nàng khóc nức nở làm cả phòng “đánh hội đồng” bắt xin lỗi này nọ. Mình đành ngậm ngùi hôm sau mua ít hoa quả mời cả phòng gọi là tạ lỗi”.
Đúng là chiều chuộng phụ nữ là trách nhiệm và nghĩa vụ của đàn ông, nhưng có lẽ chỉ nên tính trong trường hợp một số lượng phụ nữ nhất định thì sẽ thích hợp hơn trong trường hợp bạn là một “Mr. Mì chính cánh chính hiệu con nai vàng”.
Điểm thứ tư: TYPN hay …
Trong một tác phẩm văn học có mô tả anh chàng tên TYPN – viết tắt của từ Tôi Yêu Phụ Nữ, thật là một cái tên dễ hiểu và phổ biến với quan niệm của hầu hết giới đàn ông. Nhưng chỉ dám dùng “hầu hết” mà không phải là “tất cả” đàn ông. Giang kể chuyện: “Văn phòng của mình làm về thời trang, một lần có anh rất đẹp trai, tâm lý, có gu ăn mặc, gia đình lại khá giả nên các nàng phòng mình xuýt xoa trầm trồ, loay hoay váy xống, son phấn, rủ rê chàng cà phê, ăn uống, chàng vẫn rất vui vẻ nhưng lại chẳng xi- nhê em nào. Hỏi có người yêu chưa, chàng chỉ cười rất hiền…mọi sự chỉ vỡ lở khi một em phòng mình nhìn thấy chàng đang tay trong tay, ôm chặt một anh chàng to cao vạm vỡ, rồi họ gần gũi đến mức bất thường”.
Từ sau khi sự việc được phanh phui, chị em phòng mình chỉ biết rút ra kinh nghiệm đàn ông bây giờ thật khó phân biệt bằng mắt thường. Với các ngành liên quan đến nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc… người ta vẫn thường bàng hoàng phát hiện các nhân vật có tên tuổi thừa nhận là người có giới tính thứ ba. Nhưng trong các văn phòng, thì có nên xếp những anh chàng này vào đối tượng “mì chính cánh”, hay có chăng là xếp vào thuộc hạng “cùng giới theo tinh thần” cho văn phòng này.
Là “mì chính cánh” dễ hay khó ?
Nói dễ thì cũng dễ nhưng đối với nhiều “mì chính” thì khó bằng trời. Trước tiên “mì chính” phải học cách luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu. Bạn sẽ bị ra rìa nếu như chẳng quan tâm gì đến chuyện của chị em.
Nếu như bạn lỡ miệng kiểu như “điên à”, “dở hơi” hay đại loại một câu suồng sã kiểu như “em là màn hình phẳng” thì chắc chắn bạn sẽ chuốc lấy trăm thứ phiền hà, xì xào to nhỏ. Bạn là số một và là trung tâm vậy nên biết giữ mồm giữ miệng và đừng quá “soi” chị em. Và hãy quan tâm đến những điều nhỏ nhặt xung quanh, như chồng em này ốm, hay con chị ngồi bên đang nằm viện. Chị em luôn cần những lời động viên hay đơn giản chỉ là lời hỏi thăm.
Tiểu kết
Là “mì chính cánh” trong văn phòng với các đồng nghiệp nữ vây quanh, vừa là một niềm may mắn, vừa là một thử thách “khó khăn” cho các chàng trai công sở. Chỉ biết rằng, nếu đã là một “Mr. Mì chính cánh” trong văn phòng công sở – bạn hãy sống đúng chất đàn ông của mình, đừng biến mình thành những con rối trong tay chị em, song cũng đừng biến chị em thành trò vui tiêu khiển cho bản thân mình.
Leave a Reply