Kỳ tích sông Hàn được các chaebol tạo ra từ giữa thế kỷ trước đã biến một đất nước nghèo nàn lạc hậu như Hàn Quốc trở thành một nước phát triển bậc nhất châu Á. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt.
“Hãy thay đổi từ chính bản thân mình”,
“Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng”,
“Hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ con bạn”, chủ tịch Lee Kun Hee nhắc đi nhắc lại trong ‘hội nghị diên hồng’ nơi tập hợp hơn 200 lãnh đạo cấp cao của Samsung trên toàn cầu tại Frankfurt, Đức vào năm 1993.
Không ai được ra ngoài ăn hay thậm chí đi vệ sinh trong suốt buổi họp kín kéo dài tới 10 tiếng đồng hồ này.
Cơn thịnh nộ của chủ tịch Lee Kun Hee bắt nguồn từ chuyến ‘vi hành’ của ông đến Los Angeles. Tại đây, con trai thứ ba của nhà sáng lập Samsung tức giận ra mặt khi chứng kiến gian hàng của công ty phủ đầy bụi ở một trung tâm điện máy trong khi các đối thủ như Sony, Phillips được đặt sản phẩm tại vị trí đẹp nhất.
Sau buổi họp khẩn cấp kéo dài ba ngày ba đêm ở Frankfurt, một bản Tuyên bố đã ra đời mà sau này vẫn được xem là Kinh thánh của Samsung, trực tiếp truyền cảm hứng cho hàng trăm nghìn nhân viên để thúc đẩy sự phát triển trên mọi mặt trận của tập đoàn.
Lee Kun Hee là thế hệ lãnh đạo thứ hai của Samsung, tiếp quản vị trí chủ tịch tập đoàn nhờ được ‘phế trưởng lập thứ’ sau khi người cha, nhà sáng lập Lee Byung Chul đột ngột qua đời năm 1987.
Cho đến khi Lee Kun Hee nhắm mắt xuôi tay vào năm ngoái, vị chủ tịch này đã để lại cho người con trai duy nhất, thái tử Lee Jae Yong một đế chế điện tử hùng mạnh giá trị 62,3 tỷ USD và hai phần khác của đế chế cho hai người con gái trong một khối tài sản khổng lồ được thâu tóm bởi gia đình họ Lee, được gọi là chaebol ở Hàn Quốc.
Chaebol và kỳ tích sông Hán
Năm 2020, Samsung Electronics báo cáo doanh thu cả năm 215,8 tỷ USD, tương đương khoảng 13,4% GDP của Hàn Quốc.
Nhưng đây mới chỉ là một phần của đế chế nhà Samsung, vốn đã bị chia tách vào năm 1987 thành Samsung Group, Shinsegae Group, CJ Group và Hansol Group.
Đến nay, đế chế nhà họ Lee vẫn là chaebol lớn nhất Hàn Quốc, nắm quyền chi phối kinh tế, chính trị và xã hội ở xứ sở kim chi. Chaebol, một từ ghép tiếng Hàn có nghĩa là tài phiệt, nhưng được hiểu là các tập đoàn gia đình được điều khiển bởi số ít đại gia tộc ở Hàn Quốc.
Có bốn chaebol lớn nhất Đại Hàn Dân Quốc hiện nay là Samsung, LG, SK và Hyundai. Các chaebol này đã vươn mình trở thành móng vuốt sắc nhọn của con rồng Hàn Quốc trong suốt thời kỳ gọi là ‘Kỳ tích sông Hán’.
Gia tộc kiểm soát Samsung vẫn đang là chaebol lớn nhất Hàn Quốc.
Mọi chuyện khởi đầu vào năm 1961 khi thiếu tướng Park Chung Hee lên nắm quyền chủ tịch Hội đồng Tối cao Tái thiết Quốc gia trong một cuộc đảo chính quân sự. Tướng Park sau đó lên làm Tổng thống Hàn Quốc trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp và khởi đầu cho thời kỳ lao động khổ sai dưới thời nhà độc tài này.
Cho đến khi Park Chung Hee bị ám sát năm 1979, các chaebol tiếp tục lớn mạnh không ngừng nhờ chính sách tư bản có định hướng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng điện tử trong khi cấm nhập khẩu vô tuyến, cấm uống cafe nhằm ‘thắt lưng buộc bụng’ trong nước…
Sự ưu ái của chính phủ dành cho chaebol thời kỳ đó đã được cố chủ tịch Daewoo ông Kim Woo Choong khái quát qua câu nói nổi tiếng: “Nếu không có công nghệ, chúng tôi có thể đi mua. Nếu không có tiền, chúng tôi có thể đi vay và trả nợ khi nào kiếm được”.
Chính phủ kiến tạo, chaebol thực thi đã trở thành kim chỉ nam cho kinh tế Hàn Quốc vào thời kỳ đó. Hyundai từ một công ty xây dựng đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất ô tô, Samsung vốn là tập đoàn rau củ quả và mía đường vươn mình trở thành nhà xuất khẩu chip nhớ và tấm nền màn hình số một thế giới.
Tất nhiên, sự vươn lên của chaebol cũng là sự thất bại cho những kẻ khác. Samsung mạnh lên khiến Motorola phải chia tách, Nokia cắn răng bán mảng di động và khiến chính chaebol khác là LG buộc lòng từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại ở Mỹ.
Không chỉ chi phối kinh tế, các chaebol còn làm lũng đoạn Nhà Xanh. Lee Myung Bak, Tổng thống thứ 10 của Hàn Quốc bị kết án 17 năm tù trong đó có các tội danh nhận hối lộ 5,9 triệu USD từ tập đoàn Samsung. Nhờ đó, cố chủ tịch Lee Kun Hee đã được ân xá năm 2009 dù bị kết tội cổ cồn trắng, tức các loại tội phạm không sử dụng bạo lực để đạt được lợi ích tài chính.
Tổng thống bị phế truất Park Geun Hye, con gái nhà độc tài Park Chung Hee, cũng bị y án 20 năm tù vì tội nhận hối lộ thông qua người bạn tâm giao Choi Soon Sil. Sự việc khiến thái tử Lee Jae Yong cũng bị kết án 30 tháng tù vì tội hối lộ cho bà Park để đảm bảo quyền kiểm soát Samsung.
64 chaebol hiện chiếm tới 84,3% tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc nhưng chỉ tạo ra 10% việc làm, theo một báo cáo năm 2020 đăng trên tờ thời báo uy tín Hankyoreh của Hàn Quốc.
Điều này phần nào phản ánh sự căm ghét, ghê sợ lẫn e ngại của người dân Hàn Quốc mỗi khi nhắc đến các đại gia tộc chaebol, vốn không thể sụp đổ theo học thuyết nổi tiếng ‘Too big to fail’ của người Mỹ.
Bài học cho các nước khác và cảm hứng cho Việt Nam
Chaebol luôn bị các học giả phương Tây chỉ trích vì làm lũng đoạn nền kinh tế và chuyển giao quyền lực kiểu cha truyền con nối. Chính sách ưu đãi về thuế, giãn nợ cho các khoản vay, cấp vốn và các dự án đặc biệt dành cho chaebol đã giúp Hàn Quốc hóa rồng chỉ trong chưa đầy nửa thế kỷ với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đều trên 10%.
Tất nhiên không chỉ có kinh nghiệm thành công, chaebol cũng để lại những bài học thất bại đớn đau. Năm 1999, Daewoo một chaebol khổng lồ chỉ sau Hyundai khi đó đã tuyên bố phá sản và để lại khoản nợ kỷ lục 50 tỷ USD.
Công thức dùng chaebol để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế có thể được sao chép lại nhưng cần có sự tùy biến cho phù hợp với từng quốc gia, từng hoàn cảnh cụ thể.
Giai đoạn tăng trưởng thần tốc của Hàn Quốc từ giữa thế kỷ 20 còn được gọi là Kỳ tích sông Hán.
Tại Việt Nam, cuốn sách được dịch ra mang tựa đề “Lee Kun Hee” đã được rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tìm đọc. Cuốn sách nay được xem là cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam không chỉ kinh doanh 1 ngành nghề mà bắt đầu lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những Tập đoàn lớn như Viettel không còn là tập đoàn viễn thông truyền thống mà đã chuyển thành tập đoàn công nghệ với nhiều ngành nghề mới như sản xuất thiết bị quân sự, sản xuất thiết bị viễn thông… và mới đây là nhảy vào lĩnh vực thu phí không dừng.
Vingroup – một tập đoàn xuất thân từ bất động sản đã nhảy sang rất nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, bán lẻ và bắt đầu tuyên bố trở thành tập đoàn công nghệ khi nhảy vào lĩnh vực sản xuất ô tô và smartphone. Đây có lẽ là mô hình mang dáng dấp chaebol rõ nét nhất của Việt Nam.
Cùng với mô hình như Viettel, Vingroup, còn rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng sang nhiều ngành nghề mà đặc biệt lấn sang lĩnh vực công nghệ như VPbank, MB, VietJet… Tất cả đều là những tập đoàn có nền tảng phát triển vững mạnh trong nước với khát vọng vươn ra nước ngoài đem lại giá trị thặng dư cho Việt Nam.
Tuy nhiên, để lặp lại kỳ tích của người Hàn đòi hỏi ý chí sáng suốt của nhà lãnh đạo, quyết tâm của tập thể với một văn hóa doanh nghiệp có bản sắc riêng nhằm tạo ra giá trị cốt lõi nhất, mà mỗi doanh nghiệp như Viettel, Vinamilk hay Vingroup cần phải tự mình tìm ra lời giải riêng biệt trước đòi hỏi thay đổi cấp thiết và căn bản ở thời đại 4.0 này. Chúng ta hy vọng một tương lai không xa Việt Nam sẽ có những chaebol như Hàn Quốc với quyết tâm cháy bỏng của Chính phủ về một Việt Nam hùng cường.
Phương Nguyễn
Leave a Reply