Người đặt nền móng cho sự phát triển tư duy lý luận về an ninh trật tự là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những năm đầu tiên thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã nêu rõ hai khái niệm bảo vệ “an toàn quốc gia” và giữ gìn “trị an, trật tự” trong Sắc lệnh số 23 ngày 21 tháng 02 năm 1946. Trải qua mấy thập kỷ, tư duy lý luận về bảo đảm TTATXH liên tục được nghiên cứu, bổ sung và đề cập trong nhiều văn bản, tài liệu, bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được sử dụng chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng IV (1976). Đặc biệt tại Nghị quyết số 31/BCT của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Việt Nam năm 1980 về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” đã xác định: “Bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội là hai bộ phận gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhiệm vụ chung bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.
Lịch sử 70 năm đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, gắn liền với sự phát triển tư duy lý luận bảo đảm TTATXH. Đó là hệ thống tri thức phong phú, đa dạng được đúc kết sáng tạo và trở thành vũ khí sắc bén như một nhu cầu tất yếu của cuộc đấu tranh bảo đảm TTATXH. Có thể khẳng định rằng, cho đến nay TTATXH và bảo đảm TTATXH đã có hệ thống cấu trúc nghiên cứu riêng biệt về đối tượng, mục đích, nhiệm vụ và phương pháp tiến hành.
Tư duy lý luận TTATXH và bảo đảm TTATXH đã phản ánh bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân; được điều chỉnh bởi hệ thống quy phạm pháp luật, đạo đức và chính trị với phương pháp giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế của nhà nước; trong đó pháp luật đóng vai trò quan trọng.
Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, với sự phát triển kinh tế thị trường và quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế làm cho tình hình TTATXH có nhiều diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt số thanh thiếu niên phạm tội, chiếm tỷ lệ ngày càng cao; xuất hiện nhiều loại tội phạm mới phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tính chất quốc tế, tội phạm khủng bố, tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm, cướp của, giết người, chống người thi hành công vụ, đâm thuê chém mướn, bảo kê nhà hàng và các hành vi phạm tội khác có tính chất côn đồ, hung hãn gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Từ năm 1986 đến nay, theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng qua các thời kỳ, đổi mới tư duy trong lĩnh vực TTATXH được tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau đây:
– Đổi mới tư duy hoạt động tham mưu, dự báo chiến lược bảo đảm TTATXH.
– Đổi mới tư duy về việc xây dựng chính sách, hiến pháp và các văn bản pháp luật bảo đảm TTATXH.
– Đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo chỉ huy, biện pháp công tác, tăng cường kiểm tra các hoạt động bảo đảm TTATXH.
– Đổi mới tư duy trong việc tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết, xây dựng lý luận công tác bảo đảm TTATXH.
– Đổi mới tư duy trong tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo đảm TTATXH.
– Đổi mới tư duy trong khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ trong công tác bảo đảm TTATXH.
– Đổi mới tư duy trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm TTATXH.
Khái quát thành tựu nổi bật tư duy lý luận về bảo đảm TTATXH đã đạt được trong thời kỳ đổi mới như sau:
– Cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước xây dựng đường lối chính sách, phương châm, nguyên tắc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, góp phần làm phong phú nền khoa học của đất nước; bước đầu đóng góp hệ thống tri thức quốc tế về khoa học đấu tranh phòng, chống tội phạm.
– Xác định rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước và của ngành CAND về nội dung những vấn đề lý luận bảo đảm TTATXH như khái niệm, nội hàm của TTATXH và bảo đảm TTATXH, vị trí vai trò quan trọng của bảo đảm TTATXH trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung, đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH nói riêng.
– Xác định đối tượng nhiệm vụ đấu tranh bảo đảm TTATXH và phân định trách nhiệm, vai trò của các lực lượng tham gia. Xã hội hóa công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm TTATXH.
– Tổ chức nghiên cứu, nắm tình hình về TTATXH thông qua hình thức tổng kết, sơ kết công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong từng lĩnh vực, từng cấp và trong từng thời gian khác nhau trong toàn quốc, từng địa phương cũng như ở các địa bàn cụ thể. Trên cơ sở đó đề xuất cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp đề ra các chủ trương, đối sách biện pháp phù hợp.
– Nghiên cứu xây dựng lý luận về các biện pháp công tác đảm bảo TTATXH; đặc biệt các biện pháp công tác cơ bản.
– Nghiên cứu về phương pháp tổ chức các hoạt động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng ngừa tai nạn tệ nạn xã hội, phương pháp bảo vệ các mục tiêu quan trọng, giải tán đám đông khiếu kiện, phức tạp về trật tự an toàn xã hội.
– Xây dựng được cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của các chủ thể, lực lượng tham gia bảo đảm TTATXH; hình thành đội ngũ các nhà khoa học và hệ thống nghiên cứu, đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.
Bên cạnh kết quả, thành tựu đạt được, trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận về bảo đảm TTATXH vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là:
Nội dung nghiên cứu trong lĩnh vực TTATXH và bảo đảm TTATXH chưa phát triển đồng bộ. Giữa các mảng nghiên cứu lý luận về nghiệp vụ trinh sát, quản lý nhà nước về trật tự xã hội, kỹ thuật hình sự, chiến thuật phương pháp điều tra từng loại tội phạm cụ thể, công tác tham mưu, xây dựng lực lượng.v.v… thiếu cân đối. Đặc biệt, lý luận nghiệp vụ trinh sát ít được đổi mới và phát triển. Việc xây dựng và hình thành một hệ thống các khái niệm, thuật ngữ chuyên ngành chuẩn xác về lĩnh vực bảo đảm TTATXH lúng túng và còn nhiều quan điểm khác nhau, thiếu thống nhất. Công tác nghiên cứu lý luận bảo đảm TTATXH còn hạn chế, ít công trình khoa học có chất lượng cao. Hệ thống giáo trình, tài liệu tra cứu, tham khảo; tài liệu hướng dẫn về công tác chuyên môn nội dung chưa thật phong phú, thiết thực, cập nhật kịp thời những tri thức mới.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trên do: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận trong ngành ta vẫn chưa được thật sự quan tâm, trong đó có lĩnh vực bảo đảm TTATXH. Sau hàng chục năm thành lập Ngành; cho đến một, hai năm gần đây, chúng ta mới có Hội đồng lý luận của ngành khoa học Công an. Thực tế hiện nay, ngành ta chưa xây dựng được hệ thống nghiên cứu, độc lập, mang tính chiến lược bảo đảm TTATXH. Do tính đặc thù, bảo mật, hoạt động chia sẻ thông tin trong quá trình nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học Công an nói chung, trật tự an toàn xã hội nói riêng với các ngành khoa học trong và ngoài nước bị hạn chế. Công tác tổng kết, đúc rút lý luận, chủ yếu do đội ngũ cán bộ khoa học của ngành thực hiện. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu lý luận nói chung của đất nước, của ngành còn hạn hẹp, trong đó có lĩnh vực bảo đảm TTATXH. Đội ngũ cán bộ khoa học tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu lý luận về bảo đảm TTATXH không nhiều. Chính sách nghiên cứu khoa học chưa thực sự hợp lý. Chế độ khuyến khích cho đội ngũ cán bộ khoa học; đặc biệt các nhà nghiên cứu thực tiễn và khoa học đầu ngành, mặc dù có được quan tâm nhưng không được thực hiện triệt để.
Dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động ngày càng sâu sắc đến nước ta. Năm 2020 là thời điểm Đảng và Nhà nước ta đặt ra mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Điều đó đòi hỏi khoa học trong Công an nhân dân nói chung, khoa học về lĩnh vực bảo đảm TTATXH nói riêng cần phát triển tương xứng với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo đó, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tư duy lý luận bảo đảm TTATXH trong tình hình mới cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây:
– Nhanh chóng phát triển một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu về bảo đảm TTATXH để trở thành vũ khí lý luận sắc bén cho cuộc đấu tranh bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
– Hiện đại hoá trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị khoa học đã đạt được, bám sát thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc những tri thức mới của Cảnh sát các nước trên thế giới. Tri thức trong tất cả các lĩnh vực cần được cập nhật, bổ sung và phát triển phù hợp với thực tiễn của cuộc đấu tranh bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam, nhất là tri thức về các lĩnh vực công tác mới hình thành hoặc mới phát triển gần đây; các tri thức cũ, lạc hậu, không còn giá trị ứng dụng trong thực tiễn cần loại bỏ.
– Xác lập và chuẩn hoá toàn bộ hệ thống các khái niệm, thuật ngữ gốc và chủ yếu của khoa học về lĩnh vực TTATXH, từ quan điểm, đường lối, phương châm, nguyên tắc chung, cho đến những công tác chuyên môn trong lĩnh vực TTATXH cụ thể, thống nhất nhận thức lý luận, bù đắp những thiếu hụt hiện có và tính toán việc trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những tri thức phù hợp để dễ dàng ứng dụng vào thực tiễn chiến đấu, công tác.
– Sản phẩm và các công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bảo đảm TTATXH có chất lượng cao, có lý luận sắc bén, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và các tài liệu tra cứu, tài liệu tham khảo, giáo trình, tài liệu hướng dẫn về công tác chuyên môn cần được hệ thống đầy đủ, cập nhật kịp thời những tri thức mới của Việt Nam và thế giới để phổ biến và ứng dụng vào thực tiễn.
– Hệ thống các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực bảo đảm TTATXH cần được củng cố, kiện toàn và xây dựng thực sự chính quy, hiện đại và chuyên nghiệp hoá. Đội ngũ cán bộ khoa học phải được lựa chọn và đào tạo cơ bản; được phân bổ hợp lý trên các lĩnh vực, có bản lĩnh chính trị vừng vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng và khả năng nghiên cứu khoa học tốt.
– Thống nhất nhận thức trong toàn lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng về vai trò, tầm quan trọng của lý luận khoa học đối với thực tiễn; xác định công tác nghiên cứu, tuyên truyền, ứng dụng các thành tựu khoa học về lĩnh vực bảo đảm TTATXH là trách nhiệm của toàn lực lượng. Quán triệt Nghị quyết số 08/NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 05/CT-BCA-V21 ngày 06/6/2012 của Bộ trưởng Công an “Về tăng cường công tác lý luận trong tình hình mới”, phối hợp, tham gia vào các khâu của công tác nghiên cứu khoa học như: Tổng kết kinh nghiệm; thu thập, thống kê tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học; cử cán bộ có trình độ cao phối hợp với các đơn vị chuyên trách làm công tác nghiên cứu, giảng dạy; tuyên truyền những kết quả nghiên cứu khoa học và tổ chức ứng dụng các kết quả đó vào thực tiễn công tác; tham gia đánh giá kết quả ứng dụng công trình khoa học vào thực tiễn và kiến nghị với các cơ quan chức năng về các vấn đề cần tập trung nghiên cứu.
– Quan tâm đầu tư, phát triển các cơ quan nghiên cứu khoa học và các cơ sở đào tạo của lực lượng Cảnh sát nhân dân trở thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo có quy mô lớn, chất lượng cao. Hội đồng lý luận Bộ Công an cần phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động. Tiểu ban Lý luận về lĩnh vực TTATXH cần làm tốt vai trò tư vấn cho Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về công tác nghiên cứu, phát triển khoa học về lĩnh vực bảo đảm TTATXH.
– Có chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và cán bộ giảng dạy trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Cần tăng cường công tác tuyển chọn, thu hút các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy có trình độ cao, có lòng yêu nghề, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng. Bộ Công an cần ban hành các chính sách đãi ngộ thoả đáng nhằm giúp cho các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy yên tâm gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu bảo đảm TTATXH.
– Gắn kết ba lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dạy và thực tiễn trong hoạt động khoa học. Theo đó, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo cần chủ động phối hợp với công an các đơn vị, địa phương xác định các vấn đề cấp bách, những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh bảo đảm TTATXH cần tập trung nghiên cứu. Quá trình tổ chức nghiên cứu các công trình khoa học cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, đơn vị trực tiếp chiến đấu với các cá nhân và cơ quan nghiên cứu khoa học; đồng thời cần đổi mới hướng tiếp cận nghiên cứu theo chiều sâu và áp dụng các phương pháp nghiên cứu đặc thù để có được các công trình khoa học có độ tin cậy cao và có khả năng ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn chiến đấu, công tác trong lĩnh vực bảo đảm TTATXH.
– Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực bảo đảm TTATXH. Tăng cường mối quan hệ với các tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL, lực lượng cảnh sát các nước lớn và các nước trong khu vực về mọi mặt, nhất là công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục, đào tạo. cần thường xuyên phối hợp với lực lượng cảnh sát các nước tổ chức các cuộc hội thảo, các chương trình nghiên cứu khoa học về các vấn đề đôi bên cùng quan tâm; xúc tiến việc đề xuất với tổ chức ASEANAPOL thành lập một trung tâm nghiên cứu, trao đổi thông tin khoa học về lĩnh vực bảo đảm TTATXH.
Trung tướng, TS. Phạm Quốc Cương
Tư lệnh K20, BCA
Theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân – Csnd.vn
Leave a Reply