Những bản dịch bài thơ ‘Nam quốc sơn hà’

Những bản dịch bài thơ 'Nam quốc sơn hà' ảnh 1

1. Bản dịch của sách “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam…” 

Nam quốc sơn hà

Sông núi nước Nam vua Nam ở 
Rành rành định rõ ở sách trời 
Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm 
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời! 

(Nguồn: “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam… thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVII” (NXB Văn học, Hà Nội, 1976).

Những bản dịch bài thơ 'Nam quốc sơn hà' ảnh 2
Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia 

2. Bản dịch của Hoa Bằng 

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam vua Nam coi. 
Rành rành phân định ở sách trời 
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm 
Bay sẽ tan tành chết sạch toi. 

Học giả Hoa Bằng tên thật là Hoàng Thúc Trâm (1902 – 1977).

(Nguồn: Văn Lang, Danh nhân đất Việt, NXB Thanh Niên, 1995).

3. Bản dịch của nhà sử học Trần Trọng Kim

Sông núi nước Nam vua Nam ở 
Rành rành định phận tại sách trời 
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm ? 
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!

Những bản dịch bài thơ 'Nam quốc sơn hà' ảnh 3

Nội dung của bài thơ  Sông núi nước Nam.

Sông Như Nguyệt (sông Cầu) – nơi ra đời bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt

4. Bản dịch của Ngô Linh Ngọc

Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự 
Sách trời định phận rõ non sông 
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm? 
Bay hãy chờ coi chuốc bại vong.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc (1922-2004), tên thật Ngô Văn Ích.

(Trích: Ngô Linh Ngọc, Tổng tập văn học Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980).

Những bản dịch bài thơ 'Nam quốc sơn hà' ảnh 6

Phần dịch thơ trong sách ngữ văn lớp 7 tập 1 mới đây.

Những bản dịch bài thơ 'Nam quốc sơn hà' ảnh 7

Sách ngữ văn 7 đăng ba bản dịch Nam quốc sơn hà nhưng cả ba bản dịch đều không giống với bản dịch được phổ biến lâu nay.

5. Bản dịch gây nhiều tranh cãi trong SGK ngữ văn lớp 7 tập I

Ở trang 62, sách ngữ văn lớp 7 dịch như sau:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Đây là bản dịch do học giả Lê Thước (1891-1975) và nhà thơ Nam Trân (1907-1967), tên thật là Nguyễn Học Sỹ đã có từ lâu. Bản này đang được dùng trong sách giáo khoa Trung học và Đại học và hiện đang dùng trong SGK ngữ văn lớp 7, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam. 

(Nguồn: Nhóm giáo sư ĐH Huế, Tinh tuyển thơ văn Hán Nôm, NXB Giáo dục, 2001).

Bài thơ Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) còn được gọi là bài thơ Thần được cho là của Lý Thường Kiệt (1019-1105) chống quân Tống năm 1077 và được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta đã có nhiều bản dịch nhưng với 5 bản dịch trên, từ trước đến nay, học sinh, sinh viên cùng những người yêu văn học đều thông thuộc và đi vào tâm trí mỗi người là bản dịch thứ 3 bằng vần bằng của cụ Trần Trọng Kim (1883-1953). Còn bản dịch trong SGK lớp 7 dịch bằng vần trắc nên đọc trúc trắc, trục trặc… đến líu lưỡi, không quen thuộc.

Một bài thơ chữ Hán, Hán Nôm được phiên âm, dịch nghĩa rồi dịch thơ có nhiều văn bản, dị bản nhưng bài thơ dịch nào hay sẽ sống mãi trong lòng người đọc và trường tồn mãi với thời gian… 


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *