Theo Bác Hồ, “Kiệm” là tiết kiệm, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi. Người còn chỉ rõ, kiệm và cần phải đi đôi với nhau, nó như hai chân của một con người vậy. Người đã từng phân tích rằng, cần mà không kiệm thì “làm chừng nào xào chừng ấy”, nó như cái thùng không đáy, nước đổ chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Mặt khác, kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển và sẽ dẫn tới thoái bộ, thụt lùi.
Để cán bộ, bộ đội và nhân dân hiểu đầy đủ về chữ kiệm, về tiết kiệm, Bác Hồ đã có nhiều chỉ dẫn rất sâu sắc. Theo Người, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Người luôn khẳng định, tiết kiệm là tích cực, là góp phần tiến lên, góp phần phát triển. Bàn về tiết kiệm để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, Người đã nhấn mạnh: “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”1.
Về nội dung tiết kiệm, Bác Hồ xác định nó được thể hiện ở các vấn đề chủ yếu sau:
– Một là, tiết kiệm sức lao động. Theo Người, có nhiều biện pháp để tiết kiệm sức lao động, nhưng quan trọng nhất là phải biết tổ chức sắp xếp lực lượng cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, phải phấn đấu để “1 người làm bằng 2, 3 người”.
– Hai là, tiết kiệm thời giờ. Đây là nội dung tiết kiệm rất quan trọng, nhưng nhiều người lại thường xem nhẹ, bỏ qua. Để mọi người thấu hiểu vấn đề này, Bác Hồ đã khẳng định rằng, thời giờ là tiền bạc. Và, Người đã có lời dạy rất sâu sắc: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”2. Người luôn nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải biết tiết kiệm thời giờ cho mình và tiết kiệm thời giờ cho người khác.
– Ba là, tiết kiệm tiền của. Theo Bác Hồ, tiết kiệm tiền của có quan hệ mật thiết với tiết kiệm sức lao động và tiết kiệm thời gian. Người luôn yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, tất cả cán bộ, đảng viên phải hết sức chú ý tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình.
Quán triệt và thực hiện chữ “Kiệm” theo lời dạy của Bác Hồ, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thực hành tiết kiệm cụ thể, thiết thực. Kế thừa Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị (khóa X), Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chỉ thị đã xác định rõ yêu cầu, nội dung, biện pháp cần phải tiến hành của các cấp, các ngành, các địa phương.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Sơn La, Hà Giang, Hải Dương, Hà Nam, Khánh Hòa, Kiên Giang… đã ra chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn. Đặc biệt, một số tỉnh, thành ủy còn ra chỉ thị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong những hoạt động đặc thù như Thành ủy Hà Nội có Chỉ thị số 11 về thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới trên địa bàn Thủ đô; Tỉnh ủy Hà Giang có Chỉ thị số 05 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức đón tết nguyên đán…
Về hoạt động của chính quyền, các cơ quan nhà nước đã nhanh chóng luật hóa và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 26-11-2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với sự đồng thuận cao. Tiếp đó, ngày 8-9-2014, Chính phủ đã ra Nghị định số 84/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần đưa Bộ luật quan trọng này vào cuộc sống.
Căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp quy của Nhà nước, các cơ quan, đơn vị và các địa phương đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo phạm vi quyền hạn được xác định. Trên khắp đất nước, các cơ quan, đơn vị và các địa phương đã phát động nhiều phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, với nhiều nội dung, biện pháp phong phú, cụ thể, thiết thực. Các phong trào này đã thu được nhiều kết quả, tạo ra sự chuyển biến, tiến bộ trên nhiều mặt, ở nhiều địa bàn. Có thể nói, ở hầu hết các cơ quan, đơn vị và các địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế, giảm bớt quỹ lương, hạn chế mua sắm ô tô công, giảm bớt mua sắm trang thiết bị ở các cơ quan công sở, hạn chế tổ chức các lễ hội, các cuộc chiêu đãi, tiệc tùng tràn lan. Một số điển hình nổi lên như: Bộ Công an từ chối nhận hoa và quà trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành. Tỉnh Quảng Ninh kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế theo quy hoạch đã xác định. Thủ đô Hà Nội thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, với tiêu chí lễ cưới không quá 300 khách mời, không tổ chức cưới ở những nhà hàng sang trọng, đắt tiền, tăng cường thiếp báo hỉ thay cho thiếp mời dự tiệc cưới.
Tuy nhiên, những kết quả trên chỉ là bước đầu và hiệu quả đem lại chưa lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện chữ ”Kiệm” theo lời dạy của Bác Hồ, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị và các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp, trong đó trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu đó là:
– Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất cao về nhận thức ở tất cả các ngành, các cấp, trước hết là cán bộ chủ chốt, thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong những năm tới.
– Gắn các nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực.
– Động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giúp đỡ, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
– Mỗi cá nhân, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải đặt ra những chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo cương vị, chức trách được giao.
Tiến hành tốt các biện pháp trên, đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó các đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong tổ chức thực hiện. Chỉ có trên cơ sở như vậy, việc thực hiện chữ “Kiệm” theo lời dạy của Bác Hồ mới ngày đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Leave a Reply